Huyện Cầu Kè nằm phía tây tỉnh Trà Vinh, giáp tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng (qua sông Hậu). Trên địa bàn huyện có sông Hậu và tuyến Quốc lộ 54 chạy qua, giúp huyện trở thành đầu mối giao thông quan trọng. Đây là những lợi thế để Cầu Kè thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) và thu hút đầu tư.
Ông Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện
Bên cạnh đó, nhờ đất đai màu mỡ, Cầu Kè là địa phương có nền nông nghiệp khá phát triển, nhất là trồng cây ăn trái với nhiều loại đặc sản nổi tiếng, là tiền đề thuận lợi để huyện đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Kinh tế tăng trưởng mạnh
Trong 5 năm 2015 – 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cầu Kè đã không ngừng phấn đấu, tập trung hoàn thành các mục tiêu KT-XH. Huyện đã thực hiện đạt và vượt 21/22 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội huyện nhiệm kỳ qua.
Xác định kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, Cầu Kè đã tập trung thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và phát triển bền vững. Trong đó, huyện thực hiện kế hoạch “mỗi địa phương một sản phẩm chủ lực” với các loại cây trồng giá trị cao, đạt chuẩn VietGap như: lúa chất lượng cao, măng cụt, xoài Cát Chu, bưởi da xanh, dừa sáp… Nhờ vậy, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện tăng bình quân 5,97%/năm; riêng năm 2019, đạt giá trị hơn 5.412 tỷ đồng. Giá trị sản xuất cây ăn trái hiện đạt 263 triệu đồng/ha/năm, tăng 111 triệu đồng so năm 2015.
Trong 5 năm qua, mức tăng trưởng kinh tế của Cầu Kè đạt bình quân 13,38%/năm, tăng 1,87 lần so năm 2015; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội hơn 10.220 tỷ đồng, cao hơn 1,8 lần so nhiệm kỳ trước; vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn hơn 1.087 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 9,29% đầu nhiệm kỳ xuống còn 1,59%; thu nhập bình quân đầu người 59,35 triệu đồng/người/năm. Đáng mừng nhất là cuối năm 2019, Cầu Kè được công nhận huyện nông thôn mới (NTM) đầu tiên của tỉnh Trà Vinh.
Trong giai đoạn 2020 – 2025, Cầu Kè đề ra mục tiêu tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để tạo bước đột phá mới về KT – XH. Huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,5%/năm; trong đó nông nghiệp tăng 6,4%/năm, công nghiệp tăng 16,9% năm, dịch vụ tăng 18,5%/năm. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm và trở thành huyện NTM nâng cao.
Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện đưa ra một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao; Phát triển kinh tế vườn gắn với du lịch, trong đó, chú trọng kêu gọi đầu tư phát triển 3 cụm du lịch: cụm du lịch trung tâm cù lao Tân Quy – Vàm Bến Cát – Hòa Tân; cụm thị trấn Cầu Kè và cụm du lịch trải nghiệm, tâm linh, lịch sử; Huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình trọng điểm, cấp thiết, nhất là các công trình giao thông gắn với đê bao, phòng chống lũ lụt và triều cường, công trình thủy lợi…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Huyện Cầu Kè được xác định là khu vực đô thị hóa quan trọng của tỉnh Trà Vinh với trọng điểm là thị trấn Cầu Kè (thuộc hành lang đô thị phía đông sông Hậu), nằm trên trục đô thị Tiểu Cần – Cầu Quan – Cầu Kè. Trên cơ sở đó, huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển 2 đô thị Cầu Kè và Ninh Thới làm trung tâm phát triển thương mại, dịch vụ và là động lực phát triển của huyện; đầu tư các tuyến giao thông kết nối với các khu vực khác, với định hướng hướng ra sông Hậu để phát huy tiềm năng vùng ven sông.
Bên cạnh đó, huyện kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) xã Hòa Ân (50 ha) và CCN An Phú Tân (20 ha). Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; các dự án chế biến nông sản…
Để thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trên, ông Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện cho biết, chính quyền huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Tập trung cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động. Đồng hành, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá để thu hút đầu tư.
“Mặt khác, huyện cũng tiếp tục hoàn thiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giải quyết TTHC theo thẩm quyền được giao. Tăng cường đối thoại, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn huyện”, ông Trần Phong Ba cho biết.
Song song với đó, trong thời gian tới, huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục triển khai đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn quy hoạch với kế hoạch sử dụng các nguồn vốn đầu tư theo hướng tập trung, có trọng điểm, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Với những bước tiến quan trọng, toàn diện về KT – XH; giữ vững ổn định quốc phòng – an ninh; nâng cao đời sống nhân dân… sẽ là những nền tảng quan trọng để huyện Cầu Kè vững vàng trong giai đoạn phát triển và hội nhập.
Đột phá phát triển du lịch sinh tháiSo với các địa phương khác trong tỉnh, Cầu Kè là huyện có lợi thế phát triển nông nghiệp khá phong phú, đa dạng. Trong đó, đất đai màu mỡ, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, khí hậu quanh năm trong lành, mát mẻ đã tạo cho huyện những vườn cây ăn trái, như: măng cụt, xoài Cát Chu, bưởi da xanh,…Đặc biệt, vùng đất này rất nổi tiếng với đặc sản dừa sáp, với hương vị ngọt ngào, bổ dưỡng không nơi nào có được. Dừa sáp được yêu thích sử dụng bằng nhiều cách, như: sinh tố, dầm sữa đá, dầm trộn trái cây,… hoặc chế biến thành món mứt dừa sáp độc đáo, giá bán lên đến 400.000 đồng/kg.Cây dừa sáp được trồng ở Cầu Kè từ năm 1970, sau 50 năm phát triển, nơi đây được xem là “thủ phủ” của loại trái cây này. Đến nay, toàn huyện có gần 72.000 cây dừa sáp (trên 57.500 cây đang cho trái), sản lượng khoảng hơn 2 triệu trái/năm. Bình quân một năm, một cây dừa sáp cho khoảng 120 – 150 trái và tỷ lệ dừa cho trái sáp đạt từ 40 – 50%. Với giá bán 120.000 đồng/trái, mỗi cây dừa sáp cho thu nhập trên 10 triệu đồng/năm.Nông nghiệp phát triển đã thúc đẩy du lịch sinh thái ở Cầu Kè. Trên địa bàn huyện hiện có một số địa điểm du lịch gắn với sông Hậu, như cù lao Tân Quy 1 và Tân Quy 2 (xã An Phú Tân) với nhiều nét đặc trưng. Hàng năm vào các dịp lễ, tết, đặc biệt là Tết Đoan Ngọ, những địa điểm này thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, tận hưởng không khí trong lành vùng sông nước và thưởng các loại trái cây đặc sản. Trong năm 2019, huyện đã thu hút gần 27.400 lượt du khách, tăng hơn 7.000 lượt khách so với năm 2018.Thực tế hiện nay, ở Cầu Kè mới chỉ có một số hộ làm du lịch theo kiểu tự phát, nhỏ lẻ. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn hạn chế, thiếu sự đầu tư; chưa có nhiều sản phẩm hấp dẫn du khách nên chưa khai thác hết tiềm năng. Do đó, huyện đang chú trọng khơi dậy tiềm năng du lịch và xem đây là một trong những nhiệm vụ đột phá để phát triển KT-XH. Để làm được đều này, huyện đã chủ động mời gọi một số doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh khảo sát thực tế các điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Đồng thời, phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, nghiên cứu đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch; thực hiện liên kết tour, tuyến..Đặc biệt, đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển du lịch, nhất là xây dựng các cơ sở lưu trú. Chú trọng kết nối, giới thiệu và mở rộng các điểm du lịch hiện có; tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông; tăng cường vệ sinh môi trường, đảm bảo ổn định an ninh trật tự… |
Nguồn: Vietnam Business Forum