Huyện Cầu Kè phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh đặc thù trong nông nghiệp, Đảng bộ, chính quyền huyện Cầu Kè tiếp tục tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng toàn diện, hiện đại và bền vững.

Huyện Cầu Kè phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển
Bí thư huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải.

Được biết, huyện Cầu Kè có sông Hậu và tuyến Quốc lộ 54 chạy qua, thuận lợi về giao thông đường bộ và đường thủy. Đồng thời tiếp giáp với nhiều vùng trọng điểm kinh tế khu vực ĐBSCL, giúp mở rộng giao thương với các tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, địa phương có diện tích tự nhiên 24.662 ha, đất nông nghiệp 19.948 ha, chiếm 81% đất tự nhiên, mang đến thế mạnh để phát triển kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt, đây cũng là huyện có diện tích vườn cây ăn trái rất lớn với nhiều loại cây trái chủ lực như: cam sành, chuối, xoài, bưởi, nhãn, dừa sáp,… là lợi thế để phát triển kinh tế vườn, kết hợp phát triển du lịch sinh thái. Thời gian qua, lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo phát triển, mở rộng diện tích vườn cây ăn trái, đến nay gần 9.000ha, sản lượng đạt trên 130.000 tấn/năm và đã hình thành nhiều vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung.

Hơn thế, trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, trong đó có 1 điểm tín ngưỡng được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh, 1 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh với nhiều hoạt động lễ hội và có một số điểm du lịch nổi bật, là thế mạnh để huyện đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới. Toàn huyện còn có số người trong độ tuổi lao động lên đến 80.273 người, chiếm 78% dân số của huyện, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 74,96%, là lợi thế để kêu gọi, thu hút đầu tư vào huyện nhà.

Bí thư huyện ủy Cầu Kè Nguyễn Hoàng Khải cho biết, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh hiện có, huyện xác định kinh tế nông nghiệp là chủ yếu. Theo đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh, chỉ đạo tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm để phát triển bền vững; thực hiện chương trình “mỗi địa phương một sản phẩm chủ lực” với các loại cây trồng giá trị cao như: lúa chất lượng cao, măng cụt, cam sành, xoài cát chu, bưởi da xanh, dừa sáp đạt chuẩn VietGap. Nhờ đó mà mức tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá.

Huyện Cầu Kè phát huy tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển
Trong phát triển kinh tế, huyện Cầu Kè đã đầu tư mạnh mẽ để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ cho phát triển sản xuất và du lịch.

Theo báo cáo của Huyện ủy Cầu Kè, tốc độ tăng trưởng của huyện luôn giữ vững mức bình quân 13%/năm (năm 2022 ước tăng 13,32%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 57,49% xuống còn 35,76%; tỷ trọng công nghiệp – xây dựng tăng từ 21,9% lên 30,96%; tỷ trọng dịch vụ tăng từ 20,21% lên 33,28%. Huyện có 12 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, góp phần phát huy được lợi thế về sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Trong phát triển kinh tế, huyện đã đầu tư mạnh mẽ để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm tạo sự đồng bộ cho phát triển sản xuất và du lịch. Từ nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa, địa phương đã đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng để xây dựng hàng loạt các công trình trọng điểm về thủy lợi gắn với giao thông, điện cho sản xuất, như cống Bông Bót, cống Tân Dinh, đường trục giữa cù lao Tân Quy, tuyến đường kết hợp bờ bao 3 xã ven sông Hậu; kéo điện vượt sông về cù lao Tân Quy (xã An Phú Tân), cù lao An Lộc (xã Hòa Tân),…

Bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng ủy, chính quyền huyện Cầu Kè tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện các tiêu chí của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, nhất là các tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất – đây là một trong những tiêu chí quan trọng, làm nền tảng giúp người dân thoát nghèo và nâng cao thu nhập. Cùng với công tác chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, huyện còn vận động nhân dân ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh và phát triển các dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp

Kết quả, huyện Cầu Kè đã được công nhận huyện NTM vào cuối năm 2019 và hiện nay đã có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt 62,85 triệu đồng/người/năm (ước cuối năm 2022 đạt khoảng 68 triệu đồng/người/năm). Số hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm. Năm 2019, toàn huyện có 653 hộ nghèo, chiếm 2,16% so với tổng số hộ toàn huyện, đến năm 2021 chỉ còn 146 hộ nghèo, chiếm 0,4% so với tổng số hộ toàn huyện. Số hộ cận nghèo giảm từ 1.779 hộ (2019) xuống còn 1.059 hộ (2021). Dự kiến đến cuối năm 2022, huyện phấn đấu hoàn thành 2 xã NTM nâng cao; kinh tế – xã hội từ mức trung bình tăng lên mức khá, đời sống người dân được tăng lên rõ rệt. Đảng bộ huyện 3 năm liền được tỉnh công nhận Đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Từ nay đến cuối năm 2022 và thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM nâng cao, trong đó chú trọng sản xuất theo hướng sạch, an toàn, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm ngành nông nghiệp. Xây dựng mô hình cánh đồng lớn gắn vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, mô hình lúa hữu cơ. Tập trung liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của huyện như lúa, bưởi da xanh, xoài cát chu, cam sành,…

Mặt khác, với những yếu tố thuận lợi về vị trí địa lý, tự nhiên, thuyền thống cách mạng, nét văn hóa đặc trưng riêng của bản địa, huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch và phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực của địa phương trong tương lai. Trước mắt, địa phương sẽ tập trung phát triển vườn cây ăn trái gắn với phát triển du lịch sinh thái, trong đó tập trung đầu tư xây dựng tuyến đường ven sông Hậu để tạo điều kiện phát triển du lịch tại các xã Ninh Thới, An Phú Tân, Hòa Tân, nhất là tạo điều kiện phát triển du lịch tại cù lao An Lộc, cù lao Tân Quy. Ngoài ra, huyện Cầu Kè sẽ tăng cường công tác kêu gọi đầu tư vào cụm công nghiệp An Phú Tân, cũng như đẩy mạnh công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, củng cố, nâng cao chất lượng, hoạt động của HTX, THT.

Quan trọng hơn, huyện Cầu Kè sẽ tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực xây dựng NTM trên địa bàn, phấn đấu đưa Cầu Kè trở thành huyện NTM nâng cao vào năm 2023. Song, theo Bí thư huyện ủy Cầu Kè, để thực hiện mục tiêu này, huyện rất cần Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Trà Vinh quan tâm, lãnh, chỉ đạo phát triển toàn diện huyện Cầu Kè để tạo đột phá. Về nguồn lực, huyện cần sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đúng chất, đúng chuẩn NTM nâng cao. Về phía địa phương, huyện cần sự đoàn kết, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong toàn huyện. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư một số công trình trọng điểm để xúc tiến kêu gọi đầu tư như tuyến đường trục kết nối Quốc lộ 54 với đường tỉnh 915 vào cụm công nghiệp An Phú Tân, hạ tầng du lịch cù lao Tân Quy, cù lao An Lộc,… Huyện ủy sẽ chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần huy động sức mạnh của toàn dân trong công cuộc xây dựng NTM, đưa quê hương Cầu Kè ngày càng phát triển văn minh, giàu đẹp và hiện đại.

Phản hồi
5/5 - (1 bình chọn)
Share:

Author: UBND Cau Ke

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *