Điều kiện tự nhiên:
Huyện Cầu Kè nằm về phía Tây của tỉnh Trà Vinh, thuộc tả ngạn sông Hậu.
– Phía Đông giáp huyện Càng Long, huyện Tiểu Cần.
– Phía Tây và Nam giáp sông Hậu (bên kia sông là huyện Kế Sách thuộc tỉnh Sóc Trăng).
– Phía Bắc giáp huyện Trà Ôn, huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long.
Toàn huyện có 10 xã, 01 thị trấn, gồm: Châu Điền, Phong Phú, Phong Thạnh, Ninh Thới, Hoà Tân, An Phú Tân, Tam Ngãi, Hoà Ân, Thông Hoà, Thạnh Phú và thị trấn Cầu kè. Tổng diện tích tự nhiên là 24.664 ha. Trung tâm huyện lỵ nằm cách trung tâm tỉnh lỵ (thành phố Trà Vinh) 40 km theo quốc lộ 54 và 60.
Nhìn chung, huyện Cầu Kè có vị trí khá thuận lợi trong việc giao lưu phát triển kinh tế – xã hội với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh bằng đường thuỷ và đường bộ. Mặt khác, khí hậu chia làm 02 mùa rõ rệt, mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau; mùa mưa là những tháng còn lại. Thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, nước từ sông MêKông đổ về mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng.
Địa hình:
Địa hình huyện Cầu Kè mang tính chất chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long nên tương đối bằng phẳng. Ngoài những giồng cát có địa hình cao đặc trưng (>1,8m). Dọc theo Sông Hậu có địa hình khá cao (cao ven sông) và thấp dần về hướng Đông (vào nội đồng).
Địa hình thấp nhất (0,4 – 0,6m) ở khu vực phía Đông Nam thuộc các địa bàn (Phong Thạnh, Phong Phú) và nằm rải rác ở các khu vực Đông Bắc (Thạnh Phú, Thông Hòa). Đặt biệt có khu vực địa hình trũng thấp (< 0,4 m) ở ấp Sóc Kha (xã Hoà Ân); Cây Gòn (xã Phong Thạnh).
Nhìn chung, địa hình huyện Cầu Kè thích hợp cho canh tác lúa, hoa màu và cây lâu năm. Tuy nhiên ở một số khu vực trũng thấp và gò cao cục bộ thường bị ngập úng, khô hạn.
Thủy văn:
– Sông Cầu Kè là sông chạy qua khu vực trung tâm thị trấn, thuyền bè có trọng tải 20 – 30 tấn giao thông dễ dàng. Bề rộng của sông 20 – 24m, sâu 4m, chịu tác động chế độ bán nhật triều không đều trên biển Đông; mực nước đỉnh triều hàng tháng thay đổi từ 1,0 đến 1,4m.
– Huyện Cầu Kè chịu ảnh hưởng triều sông Hậu với 21 km chiều dài nằm dọc bờ sông Hậu và hệ thống sông rạch chính đều bắt nguồn từ sông Hậu như sông Bông Bót – Tổng Tồn – Bà Nghệ, rạch Tân Định. Ngoài ra huyện còn chịu ảnh hưởng triều của sông Cổ Chiên khá mạnh thông qua kênh Trà Ngoa ở phần đất xã Thạnh Phú.
– Huyện chịu ảnh hưởng chế độ bán nhật triều không đều ngày lên xuống 2 lần; mỗi tháng có 2 lần triều cường, sau ngày 1 và 15 âm lịch và 2 lần triều kém, sau ngày 7 và 23 âm lịch từ 2 – 3 ngày.
Tài nguyên du lịch
Hoạt động du lịch phát triển, nhất là du lịch sinh thái kết hợp với lễ hội truyền thống. Đến Cầu Kè, bạn sẽ có dịp tham quan nơi ngụ cư của những người Khmer. Các cuộc dâng bông, lễ hội hầu như diễn ra thường xuyên.
Huyện có nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái của một vùng sông nước, nhất là các cồn dọc theo sông Hậu, có Cồn Tân Quy thuận lợi cho việc phát triển du lịch; du lịch tâm linh nhất là lễ hội chùa Ông hằng năm. Ngoài ra, huyện còn có nhà bia tưởng niệm nữ anh hùng liệt sĩ Chị Nguyễn Thị Út còn gọi là Út Tịch
Kết hợp với du lịch vườn cây ăn trái của Huyện, tạo nên những tour du lịch khép kín trong toàn tỉnh.
Đặc điểm dân số và nguồn lao động:
Toàn huyện có 31.148 hộ với các dân tộc anh em sinh sống như: Kinh – Khmer – Hoa cùng chung sống dân số 111.964 người, trong đó dân tộc Kinh 88.523 người, chiếm 67,28%, dân tộc Khmer 42.746 người, chiếm 32,49%, dân tộc Hoa 306 người, chiếm 0,23%.
– Lao động chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp.
Tính đến thời điểm năm 2018, có 77.864 người trong độ tuổi lao động, chiếm 62 % dân số của huyện. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên: 72.694/77.864 người, chiếm 93,4%. Hàng năm có thêm khoảng 1.500 lao động. Đây là nguồn lao động dồi dào của huyện.